Sức mạnh của marketing cảm xúc

0
1253
Các chuyên gia tâm lý học đến từ đại học Princeton đã xác định được rằng ấn tượng đầu tiên bạn có với một người lạ được hình thành trong vòng chưa đầy một giây. Nghe qua thì đúng là khó tin nhưng sự thật lại chính xác như vậy.
Và mặc dù chúng ta khăng khăng cho rằng mình là người lý tính và hiện đại, thì trên thực tế, phần lớn các quyết định vẫn được tạo ra bởi tiềm thức, bản năng hay còn gọi là “bộ não bò sát”. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với chất lượng các quyết định bị hạ xuống, mà trong một số trường hợp như Malcolm Gladwell lập luận: các quyết định nhanh chóng và “có cảm giác chắc chắn” giúp tiết kiệm thời gian và bớt đau đớn hơn hẳn.
Chính vì sự quan trọng của cảm xúc mà ngày càng có nhiều doanh nghiệp ứng dụng yếu tố này vào trong các chiến dịch Marketing. Hãy cùng khám phá vai trò của cảm xúc trong tiếp thị hiện đại và làm thế nào để thành công qua bài viết dưới đây.

1. Xây dựng thương hiệu cảm xúc (Emotional branding)

Thương hiệu là một tập hợp những cảm nhận của khách hàng về một công ty, một sản phẩm hay dịch vụ với đầy đủ các khía cạnh: mô tả nhận diện (brand identities), giá trị (brand values), thuộc tính (brand attributes), cá tính (brand personality). Xây dựng thương hiệu cảm xúc (Emotional branding) đóng vai trò là “sợi dây vô hình” kết nối doanh nghiệp và khách hàng thông qua yếu tố cảm xúc.
Cụ thể hơn, các Doanh nghiệp tăng tính nhận diện thương hiệu bằng những ưu thế khác biệt, tác động trực tiếp đến những cảm xúc ẩn sâu bên trong mỗi cá nhân – những khách hàng tiềm năng. Điển hình như chiếc điện thoại Oppo đã xóa tan định kiến về việc công nghệ phát triển, nhịp sống xã hội nhanh hơn thì khoảng cách giữa người với người cũng từ đó mà rõ nét hơn. Oppo với những tính năng ưu việt về selfie – camera, hệ điều hành Androi cho phép các ứng dụng trò chuyện được cập nhật liên tục, tạo sự gắn kết trong cộng đồng, sự gần gũi giữa những người thân trong gia đình.
Bên cạnh đó, một casestudy nổi bật khác chúng ta có thể kể đến là “ông lớn” Apple. Những sản phẩm Iphone, Macbook, Ipad đều được tinh giản tối đa trong thiết kế, bắt mắt và sang trọng với ngoại hình mỏng, nhẹ, hoàn hảo trong từng đường nét. Điều này trùng khớp với tâm lý và cảm xúc của đa số khách hàng – những người yêu công nghệ, luôn luôn mong muốn nâng cao đẳng cấp của mình theo thời gian. Không những thế còn thể hiện phong cách sống “minimalism” – hướng tới sự đơn giản để luôn được thanh thản, bình yên.

2. Quảng cáo cảm xúc (Emotional advertising)

Video clips là một trong những nhân tố được chú trọng hàng đầu trong Truyền thông – Marketing. Một nghiên cứu mới đây của các Chuyên gia Kinh tế tại New York, Mỹ thì video clips là ấn phẩm online có khả năng “kéo” tương tác và engagement hiệu quả nhất, lớn hơn nhiều so với các bài viết, hình ảnh thông thường.
Tuy nhiên, để thực hiện những video clips có sức “viral” mạnh mẽ, ý tưởng về nội dung và kịch bản của nó phải được đầu tư một lượng chất xám không nhỏ. Những thước phim quảng cáo được quan tâm mạnh mẽ và được chia sẻ với tốc độ “chóng mặt” trên các kênh truyền thông đại chúng, mạng xã hội bởi đa số người xem đều thực sự “rung động” trước ý nghĩa là giá trị nhân văn sâu sắc mà đoạn quảng cáo đem lại.
Từ đây, chúng ta có thể thấy rằng Emotion advertising là con đường thông minh nhất, thay thế cho những đoạn quảng cáo giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thông thường và không có gì nổi trội. Quảng cáo có thể gợi lên trong người xem cảm xúc vui nhộn, hài hước, hoặc cũng có thể là những câu chuyện đáng suy ngẫm, những thước phim với nội dung gây xúc động mạnh về những mảnh đời bất hạnh, những đứa trẻ với tuổi thơ khó nhọc, mong muốn được đến trường,… Đó là những góc khuất chưa bao giờ được ai quan sát, những câu chuyện thầm lặng chưa một lần được kể thành lời.
Tầm ảnh hưởng của Emotional advertising là không thể phủ nhận. Adidas- ông trùm trong thế giới sportwear từng phải hối hận khi từ chối một video quảng cáo được làm bởi một sinh viên là Fan bự của hãng. Dù bị các chuyên gia marketing và truyền thông “3 sọc” lơ đẹp, đoạn phim ngắn này vẫn thực sự trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội.

3. Kể chuyện (Storytelling)

Trong Truyền thông – Marketing, người ta thường bị chi phối mạnh mẽ bởi lợi nhuận, khách hàng mục tiêu, các chiến lược “độc quyền thị trường”, hoặc đi theo 4P (Product – Price – Place – Promotion) theo phương pháp truyền thống và có phần “máy móc”. Chính vì vậy, trong quá trình sáng tạo và đổi mới nội dung, đội ngũ làm Marketing và đặc biệt là Copywritter tại các Agency nhận ra rằng, “văn tự sự” là một “vũ khí” “nhỏ mà có võ” trong Content Marketing.
Đó có thể là những câu chuyện đời thường diễn ra hàng ngày, tuy giản dị nhưng có sức truyền cảm hứng một cách nhẹ nhàng và tinh tế. Đó cũng có thể là sự chia sẻ từ chính những trải nghiệm thú vị của người viết, tạo tính tương tác cao đối với khách hàng. Đôi khi, khách hàng không thực sự có nhu cầu quá cao hay sẵn sàng lựa chọn sử dụng sản phẩm, dịch vụ của bạn nhưng họ lại đặc biệt được truyền cảm hứng một cách tự nhiên nhất, ấn tượng với phong cách sáng tạo nội dung “nhã” và tinh tế, họ sẽ tìm đến thương hiệu của bạn vì những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt này.

4. Hiệu ứng “tâm lý đám đông”

Các dịch vụ như Yelp và Airbnb rất phổ biến bởi vì họ sử dụng một trong những hình thức tiếp thị đơn giản nhưng rất hiệu quả: truyền miệng – hình thức khá phổ biến trên các mạng xã hội đang thống trị thế giới hiện nay.
Doanh nghiệp làm nổi bật các bình luận từ khách hàng đã sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình như là một phần trong chiến lược tiếp thị thay vì nói rằng: “Hãy tin tưởng chúng tôi, bởi đã có nhiều người khác đã sử dụng và rất hài lòng”. Khi đó, não bộ của chúng ta sẽ đưa ra nhận định rằng: “Nếu những người khác đã có thể tin tưởng, lẽ nào mình không nên thử”.
Lý thuyết hiệu ứng đám đông cho rằng một người (hoặc công ty) sẽ uy tín hơn nếu được nhận xét tốt từ nhiều người khác. Vì thế, nhiều công ty sử dụng chiến lược này trong quảng cáo, thiết kế trang đích và trang chủ vì lợi ích rõ ràng mà họ nhận được. Nghiên cứu cho thấy 70% người tiêu dùng đọc phần đánh giá sản phẩm trước khi mua và những nhận xét này đáng tin cậy hơn gấp 12 lần so với mô tả sản phẩm từ doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, quảng cáo hay marketing thì cũng nhằm tạo ra lợi nhuận mà thôi, nhưng giữa một dàn đội ngũ marketing cùng những phương pháp đã quá cũ, chúng ta cần tự tạo ra giá trị, kể cả cho doanh nghiệp hay người dùng. Có làm được điều đó thì hiệu quả mới lâu dài.

LEAVE A REPLY